Đau buồn là một trong 6 loại cảm xúc tự nhiên của con người bên cạnh hạnh phúc, sợ hãi, tức giận, ngạc nhiên và ghê tởm. Đau buồn tạo thành cơ chế phòng vệ giúp ta vượt qua được nỗi đau. Trong cuộc sống, đau buồn về một chuyện gì đó là điều không ai tránh khỏi. Tuy nhiên khi đau buồn biến thành trầm cảm, nó lại căn bệnh tâm lý nghiêm trọng, tác động mạnh đến suy nghĩ, hành vi và sức khỏe toàn diện của một người. Để hiểu rõ hơn về trầm cảm cũng như cách nhận biết sớm căn bệnh này, chúng ta cần có cái nhìn tinh tế và cẩn thận hơn đến từng biểu hiện nhỏ nhất của các dấu hiệu trầm cảm.
Dấu hiệu của trầm cảm là không hề hiếm gặp!
Sức khỏe tinh thần và trầm cảm
Theo tổ chức y tế thế giới, sức khỏe là một trạng thái thoải mái về thể chất, tâm thần và xã hội chứ không chỉ đơn thuần là không có bệnh hay tật. Chỉ thiếu một trong các yếu tố, đồng nghĩa với việc bạn “chưa khỏe”!
Qua định nghĩa trên, ta cũng thấy được một trong những vấn đề lớn nhưng chưa được quan tâm đúng mức hiện nay là sức khỏe tâm thần. Trong đó có căn bệnh trầm cảm – một trong những gánh nặng hàng đầu ảnh hưởng lên sức khỏe và kinh tế xã hội. Căn bệnh này đáng sợ như thế nào, trước tiên chúng ta hãy làm quen với định nghĩa về trầm cảm.
Căn bệnh trầm cảm không hiếm như bạn tưởng
Rối loạn trầm cảm chủ yếu (thường được gọi đơn giản là trầm cảm) là một chứng rối loạn tâm thần phổ biến, gây ra những tác động tiêu cực khiến bản thân người bệnh rơi vào trạng thái suy sụp và lo lắng, mất đi niềm vui, sự hứng thú trong cuộc sống.
Trầm cảm gây ra nhiều tác động đối với sức khỏe và cũng rất phổ biến trong dân số chung. Theo thống kê, cứ khoảng 15 người sẽ có một người có biểu hiện trầm cảm (chiếm khoảng 6,7%). Và cứ sáu người thì có một người (16,6%) sẽ bị trầm cảm vào một thời điểm nào đó trong đời. Trầm cảm có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng trung bình, bệnh sẽ lần đầu tiên xuất hiện vào cuối độ tuổi thanh thiếu niên đến giữa độ tuổi 20. Theo WHO, ước tính có khoảng 280 triệu người trên thế giới bị trầm cảm. Trầm cảm phổ biến hơn khoảng 50% ở phụ nữ so với nam giới. Trên toàn thế giới, hơn 10% phụ nữ mang thai và phụ nữ mới sinh con bị trầm cảm.
Không chỉ giới hạn ở các nước đang phát triển, ở các quốc gia phát triển như Châu Âu hiện đang có khoảng 40 triệu người đang sống chung với bệnh trầm cảm.
Vấn đề nan giải ở đây là dù có tỷ lệ nhiều như vậy, việc quan tâm đúng mức tới sức khỏe tinh thần nói chung và trầm cảm nói riêng lại rất đáng báo động. Không đâu xa chỉ tính riêng đối với ngành y tế, một ngành có chuyên môn cao đối với lĩnh vực sức khỏe lại chiếm một phần trăm không nhỏ mắc trầm cảm, đặc biệt sau khi trải qua biến cố lớn như đợt dịch Covid-19 vừa qua. Một nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội về các đối tượng này cho thấy từ 28/02/2022 đến 14/4/2022, tỷ lệ nhân viên y tế mắc các dấu hiệu trầm cảm là 21,4% – một con số đáng báo động.
Tầm quan trọng của việc nhận biết dấu hiệu trầm cảm
Căn bệnh trầm cảm có xu hướng khiến người bệnh suy nghĩ tiêu cực hơn về bản thân và thế giới xung quanh, trường hợp nghiêm trọng có thể có ý nghĩ tự tử hoặc tự làm hại bản thân. Hẳng nằm, có hơn 700.000 người chết vì tự tử do nguyên nhân trầm cảm. Góp phần không nhỏ khiến vấn nạn tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ tư ở lứa tuổi 15–29.
Đến năm 2030, trầm cảm sẽ là nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật ở các nước thu nhập cao. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn tới năng suất lao động chung của cộng đồng, khiến gánh nặng tài chính ngày càng đè nặng lên chính bản thân người bị bệnh và gia đình của họ.
Các dấu hiệu của bệnh trầm cảm mà bạn cần lưu tâm
Các dấu hiệu của bệnh trầm cảm
Những dấu hiệu của bệnh trầm cảm rất đa dạng. Trong đó, khí sắc trầm là đặc trưng cơ bản và dễ nhận thấy nhất, chiếm gần 90% các trường hợp. Người bệnh có thể than phiền mình cảm thấy buồn, chán nản, trống rỗng, vô vọng hoặc “không còn tha thiết điều gì nữa”.
Bên cạnh đó, người bệnh trầm cảm có thể mặc cảm tự ti quá mức, họ cảm nhận rằng bản thân không xứng đáng được yêu quý, họ không tôn trọng và thương yêu chính bản thân mình dẫn đến những hành vị tự hoại. Trong tâm trí của người mắc trầm cảm, họ cảm thấy vô vọng và bơ vơ, lạc lõng trong chính cuộc sống thường nhật của mình. Những mặc cảm tội lỗi quá mức, luôn quy lỗi lầm về cho bản thân và trạng thái dễ bị kích thích khiến họ rất khó để có thể trải lòng với người khác.
Trầm cảm sẽ khiến người bệnh mất đi động lực, hứng thú và sự tận hưởng cuộc sống dù đó là những hoạt động mà trước kia họ rất yêu thích như hoạt động tình dục, sở thích, hoặc các công việc hằng ngày. Đây cũng là yếu tố góp phần quan trọng khiến người bệnh dần thu rút khỏi các mối quan hệ xã hội, từ đó dẫn đến một vòng lẫn quẫn khiến người bệnh trầm cảm càng thêm sa sút.
Bên cạnh các khía cạnh cảm xúc, khí sắc, trầm cảm còn khiến người bệnh giảm đáng kể khả năng tập trung và đưa ra quyết định. Khoảng 50% bệnh nhân than phiền suy nghĩ của mình quá chậm. Họ thường than phiền việc không thể suy nghĩ bình thường như trước đây, những tiếng nói từ nội tâm sâu bên trong luôn hỗn tạp và chen ngang vào dòng suy nghĩ của họ. Việc không thể tập trung là nguyên nhân quan trọng khiến trí nhớ của người bệnh giảm sút, ảnh hưởng đáng kể đến học tập và sinh hoạt của người bệnh.
Trong một số trường hợp, dấu hiệu của trầm cảm không điển hình như vậy. Lúc này người bệnh có thể biểu hiện bởi những dấu hiệu như: thay đổi tâm trạng nhanh chóng; tăng một cách đáng kể sự thèm ăn và cân nặng; Ngủ nhiều hơn; Có cảm giác tay chân nặng trĩu; Và bị nhạy cảm quá mức khi bị từ chối.
Dù triệu chứng bệnh trầm cảm rất đa dạng nhưng bản thân người bệnh nhiều khi không nhận thức được vấn đề của chính mình. Lúc này việc phát hiện ra những triệu chứng này đòi hỏi sự quan tâm, tinh tế của những người thân, bạn bè xung quanh người bệnh để giúp đỡ, cung cấp sự hỗ trợ tinh thần và tìm kiếm chăm sóc y tế kịp thời để điều trị.
Phân biệt đau buồn với các triệu chứng của bệnh trầm cảm
Người thân qua đời, mất việc làm hoặc mối quan hệ tan vỡ là những trải nghiệm khó khăn đối với một người. Cảm giác buồn bã hoặc đau buồn được hình thành như một cơ chế tự nhiên của cơ thể để đối phó với những tình huống như vậy và đây là điều bình thường. Cả đau buồn và trầm cảm đều có thể liên quan đến nỗi buồn sâu sắc và rút lui khỏi các hoạt động thông thường. Tuy nhiên buồn không giống như bị trầm cảm.
Để phân biệt đau buồn và triệu chứng trầm cảm, ta cần hiểu được về khái niệm của khí sắc. Khí sắc được hiểu là trạng thái cảm xúc lan tỏa và bền vững của một cá nhân, chi phối cách mà người đó nhìn nhận về thế giới xung quanh cũng như là một công cụ góp phần điều hướng cách hành xử trong thế giới đó của cá nhân ấy.
Có thể hiểu đơn giản, khí sắc là một trạng thái chung và ổn định của cảm xúc trong một khoảng thời gian dài tương đối và khó để thay đổi, trong khi đó đau buồn chỉ là cảm xúc nhất thời, không kéo dài lâu và dễ dàng hồi phục hơn. Một người bệnh trầm cảm thường sẽ có biểu hiện đau buồn, tuy nhiên chỉ từ biểu hiện buồn, mệt mỏi thì không chắc người đó có trầm cảm thực sự hay không. Bên cạnh đó, đau buồn và trầm cảm còn có những điểm khác nhau như:
- Trong đau buồn, cảm giác đau đớn ập đến từng đợt, thường xen lẫn với những ký ức tích cực về người đã khuất. Trong trầm cảm nặng, tâm trạng và/hoặc sự quan tâm (niềm vui) giảm trong hầu hết thời gian và kéo dài tối thiểu hai tuần.
- Trong đau buồn, lòng tự trọng, tự tôn của bản thân thường được duy trì. Trong trầm cảm nặng, cảm giác vô dụng và ghê tởm bản thân là phổ biến.
- Trong đau buồn, những ý nghĩ về cái chết có thể xuất hiện khi nghĩ đến hoặc mơ tưởng về việc “tham gia” cùng người thân yêu đã khuất. Trong trầm cảm nặng, những suy nghĩ tập trung vào việc kết thúc cuộc sống của một người do cảm thấy bản thân vô giá trị hoặc không đáng sống hoặc không thể đối phó với nỗi đau trầm cảm.
Việc phân biệt giữa đau buồn và triệu chứng của bệnh trầm cảm là rất quan trọng và có thể giúp mọi người nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ hoặc điều trị mà họ cần. Để chẩn đoán chính xác, bạn hãy tham khảo tiêu chuẩn chẩn đoán trầm cảm được trình bày dưới đây.
Tiêu chuẩn để chẩn đoán xác định bệnh trầm cảm
Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, Phiên bản Thứ năm (DSM-5). Để một trường hợp được chẩn đoán là trầm cảm đòi hỏi họ phải có ít nhất 5 triệu chứng trong danh sách liệt kê sau đây, và các triệu chứng này phải kéo dài tối thiểu 2 tuần trở lên:
a. Khí sắc trầm trong hầu hết thời gian trong ngày
b. Giảm hứng thú trong mọi hoạt động
c. Sụt cân trên 5% trọng lượng cơ thể trong vòng 1 tháng
d. Có các vấn đề về giấc ngủ bao gồm chứng ngủ nhiều hoặc chứng mất ngủ (biểu hiện bởi giảm tổng thời gian ngủ, giảm thời gian tiềm thời giấc ngủ cử động mắt nhanh (REM), tăng mật độ xuất hiện của giấc ngủ REM và tăng số lần thức giấc trong đêm)
e. Có sự thay đổi tâm thần vận động biểu hiện bởi trạng thái dễ bị kích động hoặc chậm chạp, trì trệ hơn bình thường
f. Cảm giác thiếu năng lượng, mệt mỏi gần như cả ngày
g. Cảm giác vô giá trị, tội lỗi quá mức bình thường
h. Chú ý và tập trung quá nhiều vào những khó khăn
i. Có các ý nghĩ thụ động hoặc chủ động về việc tự hoại, tự tổn thương bản thân hay ý nghĩ tự sát
Đối với những tổn thương, mất mát lớn (ví dụ: mất người thân, tổn thất tài chính, khuyết tật cơ thể), bác sĩ lâm sàng nên xem xét cẩn thận các triệu chứng trầm cảm chủ yếu mắc kèm, bên cạnh các phản ứng thông thường đối với những tổn thương, mất mát đó.
Ai là những đối tượng nguy cơ cao xuất hiện các dấu hiệu của trầm cảm?
Trầm cảm có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, dù dù nam hay nữ, già hay trẻ, ngay cả một người dường như sống trong những hoàn cảnh tương đối lý tưởng cũng đều có nguy cơ mắc trầm cảm. Tuy nhiên có những đối tượng có nguy cơ cao hơn so với dân số chung. Bao gồm:
- Yếu tố di truyền, gia đình: Trầm cảm có thể di truyền trong gia đình. Ví dụ, nếu một người sinh đôi giống hệt nhau bị trầm cảm, thì người kia có 70% khả năng mắc bệnh vào một lúc nào đó trong đời.
- Tính cách: Những người có lòng tự trọng thấp, dễ bị căng thẳng lấn át hoặc nói chung là bi quan có vẻ dễ bị trầm cảm hơn.
- Các yếu tố môi trường: Liên tục phải đối mặt với cô đơn, bạo lực, lạm dụng rượu, chất gây nghiện hoặc nghèo đói, mất việc làm có thể khiến một số người dễ bị trầm cảm hơn.
- Sinh trưởng và phát triển: tuổi thơ thiếu vắng tình thương, bị bạo hành, làm dụng hoặc được bảo bọc quá mức cũng là yếu tố nguy cơ gây nên trầm cảm.
- Hóa sinh: Sự khác biệt về một số chất hóa học trong não có thể góp phần gây ra các triệu chứng trầm cảm.
- Tình trạng sức khỏe: những người mắc bệnh mạn tính, các rối loạn nội tiết, động kinh, tai biến hoặc sử dụng một số thuốc chuyên biệt làm tăng nguy cơ trầm cảm.
- Trầm cảm sau sinh: cũng là một yếu tố nguy cơ trầm cảm thường gặp.
Dấu hiệu của bệnh trầm cảm nặng
Trầm cảm được phân làm 3 loại là nhẹ, trung bình và nặng. Đối với tần suất của các triệu chứng, những người bị trầm cảm nhẹ có thể cảm thấy buồn bã hoặc cáu kỉnh; nhưng nếu những cảm giác đó diễn ra hàng ngày trong nhiều giờ thì nó có thể tiến triển thành trầm cảm vừa phải. Với với những người bị trầm cảm nặng, những cảm giác tiêu cực thường xuyên và dai dẳng mà không có nhiều thời gian nghỉ ngơi.
Đối với những trường hợp nặng, trầm cảm có thể gây ra các dấu hiệu loạn thần như hoang tưởng, ảo giác. Người bệnh có thể biểu hiện trạng thái sững sờ hoặc gây ra những hành vi tự hoại, tự sát đòi hỏi can thiệp y tế càng sớm càng tốt.
Lời kết
Có thể thấy, việc nhận biết sớm các dấu hiệu của trầm cảm, đặc biệt là dấu hiệu trầm cảm nặng có thể giúp chúng ta có cơ hội điều trị kịp thời cho người bệnh, tránh được những hậu quả không đáng có có thể xảy ra. Tuy nhiên, việc nhận diện căn bệnh này không phải lúc nào cũng dễ dàng và việc thăm khám chuyên gia là điều cần thiết để không bỏ sót bệnh lý nguy hiểm này.
Tại phòng khám OSH, chúng tôi có những bác sĩ chuyên khoa thần kinh, tâm thần cùng chuyên viên tư vấn tâm lý với kinh nghiệm dày dặn trong tiếp cận và điều trị với những người bệnh có các vấn đề tâm lý nói chúng và trầm cảm nói riêng. Nếu bạn hoặc người thân của bạn có những dấu hiệu bệnh trầm cảm kể trên, OSH mong là người có thể giúp bạn lắng nghe và cùng chia sẻ để bạn không cô đơn trên con đường tìm kiếm lại niềm vui, niềm yêu thích sống khi đương đầu với căn bệnh trầm cảm.
Nguồn tham khảo
Tổ chức Y tế thế giới: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/depression