Động kinh là một trong những bệnh lý thần kinh phổ biến nhất trên thế giới, tác động đến hàng triệu người mỗi năm. Khi làm việc tại phòng khám OSH, tôi đã có cơ hội được đối mặt với nhiều người bệnh đang chiến đấu với căn bệnh động kinh. Những cơn co giật không kiểm soát gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như gây ra nhiều khó khăn trong công việc, học tập và cuộc sống hàng ngày. Qua bài viết sau, chúng tôi hy vọng có thể giúp đỡ được nhiều người bệnh động kinh có thêm kiến thức và sự hiểu biết để cùng nhau đối phó với bệnh tật.
Động kinh là bệnh gì?
Động kinh còn được biết đến trong dân gian với tên gọi “giật kinh phong”. Đây là một tình trạng rối loạn mạn tính của não bộ gây ra bởi hoạt động điện quá mức hoặc mất đồng bộ của các tế bào thần kinh. Triệu chứng bệnh động kinh đặc trưng bởi sự xuất hiện của các cơn động kinh, thường được nhận thấy dưới hình thức các cơn co giật không kiểm soát của một phần hoặc toàn bộ cơ thể. Các loại cơn động kinh khác nhau gây ra triệu chứng khác nhau, điều này có thể khiến hai người dù đều mắc bệnh động kinh nhưng lại có triệu chứng hoàn toàn không giống nhau.
Động kinh có phổ biến không?
Theo WHO ước tính có khoảng 50 triệu người bệnh động kinh trên toàn thế giới, chiếm tỷ lệ xấp xỉ 0,5% dân số. Con số này thay đổi tùy theo địa lý, ở Pháp và ở Mỹ là khoảng 0,85%; Canada là 0,6% và ở Việt Nam khoảng 2%. Rõ ràng đây là một con số không hề nhỏ cho một bệnh lý thần kinh.
Động kinh có các loại nào?
Động kinh có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi, từ trẻ nhỏ đến người lớn. Theo tổ chức chống động kinh quốc tế (ILAE), động kinh được chia ra làm 3 loại theo tuổi khởi phát bệnh gồm: động kinh khởi phát giai đoạn sơ sinh (xảy ra từ sau sinh đến trước 2 tuổi), động kinh khởi phát thời thơ ấu và động kinh khởi phát ở nhiều độ tuổi khác nhau (có thể cả ở trẻ em và người lớn).
Thông dụng hơn, động kinh có thể được phân chia dựa theo loại cơn lúc khởi phát. Đó có thể là cơn động kinh cục bộ, tức chỉ xảy ra ở một bộ phận hoặc một phần của cơ thể, hoặc có thể là cơn động kinh toàn thể, xảy ra ở cả hai bên cơ thể. Cần lưu ý rằng cơn cục bộ có thể diễn tiến thành cơn toàn thể, tuy nhiên ta chỉ dựa vào biểu hiện lúc khởi phát là cục bộ hay toàn thể để phân loại. Đây là tiêu chí quan trọng trong việc lựa chọn thuốc ban đầu để điều trị cho người bệnh động kinh.
Bệnh động kinh có nguy hiểm không?
Động kinh có nhiều loại, trong số đó có những loại nguy hiểm, gây ra những rủi ro không đáng có cho người bệnh. Nếu những người xung quanh không hỗ trợ kịp thời hoặc hỗ trợ không đúng cách có thể để lại hậu quả nặng nề. Theo thống kê động kinh làm tăng gấp 3 lần nguy cơ tử vong sớm so với dân số chung.
Đầu tiên, các cơn động kinh nghiêm trọng có thể dẫn đến mất ý thức, run, co giật dẫn đến ngã, có thể gây chấn thương đầu hoặc các tổn hại về thể chất khác. Nếu các cơn động kinh xảy ra quá vài phút mà không có phương pháp xử trí thích hợp, não có thể bị tổn thương vĩnh viễn khiến người bệnh mang thương tật thần kinh suốt đời.
Một số trường hợp xử trí động kinh không đúng cách như nhét thìa, đút ngón tay hay vắt chanh vào miệng bệnh nhân. Các hành động này hầu như là không cần thiết trong khi đó có thể khiến người bệnh vỡ răng hoặc bị lây nhiễm các mầm bệnh từ máu của người khác.
Về lâu về dài, động kinh có thể gây ra biến đổi trong tâm lý, hành vi, nhận thức của người bệnh. Các rối loạn tâm thần như rối loạn lo âu và trầm cảm kèm theo khiến việc điều trị càng thêm khó khăn.
Một vấn đề nguy hiểm nữa mà những người bệnh có thể gặp phải là các cơn động kinh có thể xảy ra đột ngột và không có dấu hiệu báo trước, điều này có thể gây ra bị thương hoặc tai nạn khi tham gia giao thông hoặc đang ở các tư thể nguy hiểm như leo cầu thang, làm việc trên cao, bơi lội, ẵm em bé…
Nguyên nhân bệnh động kinh
Các nguyên nhân gây ra động kinh
Có nhiều nguyên nhân gây động kinh đã được nhân diện, trong đó có thể phân ra 5 nhóm nguyên nhân chính gồm nguyên nhân do gen, do cấu trúc (các bất thường cấu trúc não bẩm sinh hay mắc phải sau đột quỵ, u não, chấn thương não, dị dạng mạch máu, thoái hóa thần kinh…), do nhiễm trùng, do tự miễn, do bệnh chuyển hóa và cuối cùng không nằm trong 5 nhóm trên là những nguyên nhân không xác định. Trong đó, đột quỵ là nguyên nhân động kinh thường gặp nhất ở bệnh nhân khởi phát bệnh sau 50 tuổi, chiếm từ 50-80% các trường hợp.
Bệnh động kinh có di truyền không?
Động kinh có thể di truyền, việc nhận diện được nguyên nhân động kinh do gen đã chứng minh điều này. Đột biến gen, có thể được di truyền từ cha mẹ hoặc xảy ra tự phát trong quá trình phát triển, có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh động kinh ở con. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là không phải tất cả các trường hợp động kinh đều do di truyền, chẳng hạn như chấn thương não hoặc nhiễm trùng cũng có thể đóng một vai trò trong sự phát triển của bệnh trạng này.
Hiện nay, trên thế giới cũng đã có những công cụ hỗ trợ xét nghiệm gen ở những người có tiền sử gia đình mắc bệnh động kinh có nguy cơ mắc bệnh cao.
Chẩn đoán bệnh động kinh
Triệu chứng động kinh
Biểu hiện triệu chứng bệnh động kinh là các cơn động kinh, tính chất của các cơn này không giống nhau và phụ thuộc vào vị trí bắt đầu các rối loạn điện trong não cũng như mức độ lan rộng của nó.
Cơn động kinh xảy ra như thế nào?
Cơn động kinh có thể xảy ra ở một bên, một bộ phận hay ở toàn bộ cơ thể. Trước khi khởi phát cơn, người bệnh có thể xuất hiện một số triệu chứng tiền triệu như cảm giác nóng lạnh, cảm giác dạ dày ruột, nổi da gà, hồi hộp đánh trống ngực hoặc cảm giác đã từng giấy (còn gọi là Déjavu)… Các triệu chứng này là dấu hiệu cảnh báo người bệnh có khả năng sắp vào cơn động kinh.
Người ta thường lầm tưởng cơn động đinh là cơn co giật. Nhưng trên thực tế, cơn động kinh ngoài co giật ra có thể biểu hiện các triệu chứng khác như co cứng, co thắt cơ hoặc biểu hiện vô cùng kín đáo như mất trương lực cơ (các cơ mất đi sức căng ở trạng thái nghỉ gây nên té ngã, mất tư thế) hay thậm chí là cười không kiểm soát (trong động kinh cười trẻ em)… Trong cơn động kinh, các triệu chứng tạm thời có thể xảy ra, chẳng hạn như mất nhận thức hoặc ý thức, rối loạn vận động, cảm giác (bao gồm thị giác, thính giác và vị giác), tâm trạng hoặc các chức năng nhận thức khác
Sau cơn, người bệnh sẽ từ từ hồi phục ý thức, đau đầu và lú lẫn là hai biểu hiện thường gặp. Các triệu chứng kéo dài từ 10-30 phút hoặc lâu hơn. Ngoài ra người bệnh cũng sẽ rất mệt mỏi và khó thở kéo dài sau đó.
Chẩn đoán bệnh động kinh thế nào?
Theo hội chống động kinh quốc tế, có thể chẩn đoán bệnh động kinh khi:
- Xảy ra ít nhất hai cơn động kinh không có yếu tố kích gợi xảy ra cách nhau hơn 24 giờ.
- Xảy ra một cơn co giật không có yếu tố kích gợi và xác suất xảy ra các cơn co giật tiếp theo ≥ 60% trong 10 năm tới.
Để chẩn đoán động kinh chính xác hơn, người bệnh có thể cần được theo dõi điện não đồ (EEG) trong cơn cũng như thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khác như CT, MRI não để chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh nếu có.
Điều trị bệnh động kinh
Bệnh động kinh có thể chữa khỏi không?
Hiện chưa có cách chữa khỏi bệnh động kinh một cách triệt để. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân có thể kiểm soát cơn động kinh của họ và có cuộc sống bình thường với điều trị thích hợp. Nếu một người không bị động kinh trong ít nhất 10 năm với 5 năm gần nhất không dùng thuốc chống động kinh, thì bệnh động kinh của họ cũng có thể được coi là đã khỏi. Định nghĩa khỏi bệnh này không đảm bảo rằng bệnh động kinh sẽ không quay trở lại, nhưng điều đó có nghĩa là khả năng động kinh xảy ra là rất nhỏ và người đó có quyền cho rằng mình không bị động kinh.
Cũng cần lưu ý rằng một số người bị động kinh có thể trải qua các giai đoạn thuyên giảm, trong thời gian đó họ không bị động kinh trong thời gian dài. Tuy nhiên, ngay cả trong giai đoạn thuyên giảm, điều quan trọng là phải tiếp tục điều trị thích hợp, làm theo lời khuyên của chuyên gia chăm sóc sức khỏe để giúp duy trì kiểm soát tốt cơn động kinh và nhất định không được tự ý ngưng thuốc động kinh.
Cách chữa bệnh động kinh
Phương pháp điều trị bệnh động kinh phổ biến nhất là thuốc chống động kinh. Thuốc giúp giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn động kinh ở nhiều người. Ngoài ra, các phương pháp điều trị khác, chẳng hạn như thay đổi chế độ ăn uống, liệu pháp kích thích thần kinh hoặc phẫu thuật có thể được khuyến nghị trong một số trường hợp. Những phương pháp điều trị này có thể hiệu quả đối với nhiều người và có thể giúp cải thiện đáng kể việc kiểm soát cơn động kinh và chất lượng cuộc sống nói chung.
Một trong những tiến bộ trong điều trị bệnh động kinh hiện nay không thể kể đến phương pháp phẫu thuật không dao – Gamma Knife. Đây là phương pháp sử dụng tia xạ tần số cao để chiếu trực tiếp vào khối u khiến các tế bào u chết đi và không phát cơn động kinh nữa. Với ưu điểm ít xâm lấn, phương pháp này đã mở ra một cơ hội mới cho những người bệnh động kinh có thể điều trị khỏi bệnh khi phương pháp phẫu thuật thông thường khó hoặc dễ gây nguy hiểm khi tiếp cận những vùng não sâu, nhạy cảm.
Tại phòng khám OSH, chúng tôi may mắn được cộng tác cùng bác sĩ Nguyễn Tường Vũ – một trong những chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật não tại Việt Nam, đã thực hiện hơn 5000 ca xạ phẫu Gamma Knife trong 25 năm qua. Với sự am hiểu sâu sắc về bệnh học thần kinh và chuyên môn cao trong điều trị Gamma Knife, bác sĩ Nguyễn Tường Vũ đã điều trị thành công hàng ngàn ca động kinh và giúp cải thiện đáng kể cho sức khỏe của bệnh nhân.
Thuốc động kinh
Thuốc chống động kinh là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả và phù hợp cho nhiều bệnh nhân. Hiện nay, đã có rất nhiều loại thuốc chống động kinh được sử dụng và chứng minh hiệu quả. Việc lựa chọn thuốc ban đầu sẽ dựa vào loại động kinh mà người bệnh đang mắc phải.
Vì là nhóm thuốc hướng thần kinh, các tác dụng phụ thường gặp của thuốc chống động kinh bao gồm buồn ngủ, chóng mặt và khó phối hợp động tác. Mỗi loại thuốc động kinh sẽ có những tác dụng phụ khác nhau mà có thể thuyên giảm sau một thời gian điều trị hoặc khiến người bệnh bắt buộc phải đổi thuốc. Một số loại thuốc động kinh phổ biến bao gồm:
- Levetiracetam (Keppra): thuộc nhóm thuốc động kinh mới nhưng hiệu quả của Levetiracetam đã được chứng minh rộng rãi. Thuốc có tác dụng điều trị các trường hợp động kinh cục bộ, cơn lớn và động kinh kháng trị. Thuốc có tỷ lệ gây ra các vấn đề về trí nhớ/tư duy nhưng ở mức độ tương đối thấp. Các tác dụng phụ phổ biến nhất là chóng mặt, mệt mỏi, mất ngủ, nhưng vấn đề rắc rối hơn có thể là cáu kỉnh và thay đổi tâm trạng.
- Pregabalin (Lyrica): nổi tiếng là một thuốc chống động kinh an toàn nhưng không quá mạnh. Pregabalin không có tương tác thuốc, không chuyển hóa ở gan, không gắn với protein nên có thể được sử dụng ở những đối tượng bệnh nhân có bệnh nền nhiều. Tác dụng phụ là cảm giác loạng choạng, tăng cân, mệt mỏi, chóng mặt.
- Carbamazepin (Tegretol): là loại thuốc cắt cơn cục bộ được sử dụng phổ biến ở các nước phát triển. Thuốc thường khởi phát tác dụng chậm, thường sau 2 tuần bắt đầu điều trị. Thuốc có dạng viên tác dụng kéo dài như Carbatrol hoặc Tegretol-XR để người bệnh sử dụng mỗi ngày một lần. Các tác dụng phụ tiềm ẩn khi sử dụng Tegretol bao gồm rối loạn tiêu hóa, tăng cân, mờ mắt, hạ natri máu.
- Oxcarbamazepin (Trileptal): là thuốc thế hệ mới hơn của Carbamazepin. Oxcarbamazepin hiệu quả trong điều trị các cơn động kinh cục bộ, động kinh cơn lớn trong khi gây ít tác dụng phụ hơn so với thế hệ cũ.
- Valproate (Depakin): Đây là thuốc chống động kinh phổ rộng tiêu chuẩn (điều trị tất cả các loại động kinh) và rất hiệu quả đối với các loại động kinh toàn thể. Các tác dụng có thể gặp của Valproate gồm: tăng cân, run, rụng tóc, rối loạn tiêu hóa, tổn thương gan hoặc tụy, yếu xương theo thời gian (loãng xương). Đặc biệt thuốc bị chống chỉ định ở phụ nữ có thai do nguy cơ dị tật bẩm sinh lên con đến 10%.
- Topiramat (Topamax): thuốc chống động kinh phổ rộng có thể điều trị được cho cả dạng cục bộ và toàn thể. Các tác dụng phụ của thuốc bao gồm các vấn đề về suy nghĩ và trí nhớ ở khoảng 1/3 người bệnh (không làm giảm chỉ số IQ như Phenobarbital), sỏi thận (1-2%), các trường hợp hiếm gặp như tăng nhãn áp (tăng nhãn áp) và sụt cân.
- Lamotrigine (Lamictal): cũng là một thuốc chống động kinh phổ rộng với ít tác dụng phụ. Thuốc cũng là lựa chọn được sử dụng ở những người bệnh kháng trị với những thuốc chống động kinh khác.
- Phenobarbital (Gardenal): là loại thuốc thuộc nhóm an thần kinh. Phenobarbital chủ yếu được sử dụng để kiểm soát cơn động kinh khởi phát cục bộ, mặc dù chúng cũng có thể được sử dụng như thuốc an thần hoặc điều trị các tình trạng khác, chẳng hạn như lo lắng hoặc mất ngủ. Các tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng của Phenobarbital gồm phản ứng dị ứng, tổn thương gan hoặc hội chứng Stevens-Johnson, một tình trạng dị ứng da nghiêm trọng và có khả năng đe dọa tính mạng. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra Phenobarbital là nguyên nhân làm giảm chỉ số IQ của người sử dụng. Đây là vấn đề cần lưu tâm khi sử dung thuốc để đổi sang loại khác phù hợp hơn.
- Phenytoin (Dilantin): thuốc có hiệu quả điều trị cao hơn Phenobarbital nhưng đi kèm với nhiều tác dụng phụ, đáng chú ý là tình trạng giảm ham muốn tình dục ở nữ và liệt dương ở nam. Một số tác dụng phụ về mặt thẩm mỹ như mọc lông trên cơ thể/mặt, các vấn đề về da và xương (loãng xương).
Ngoài các thuốc kể trên vẫn còn nhiều loại thuốc chống động kinh khác mà cân nhắc tùy trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định. Cần lưu ý, việc lựa chọn thuốc chống động kinh nào để điều trị sẽ được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa. Trong suốt quá trình điều trị, người bệnh cần duy trì thuốc liên tục để tránh tái phát các cơn động kinh ngoài ý muốn.
Nhìn chung, động kinh là một bệnh lý mang lại nhiều rủi ro, gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của người bệnh. Tuy nhiên với sự tiến bộ của y học, việc chẩn đoán bệnh động kinh chính xác và sử dụng phương pháp điều trị hợp lý, các cơn co giật có thể được kiểm soát tốt, giảm thiểu tần suất xuất hiện cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Tài liệu tham khảo
https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/epilepsy
https://www.ilae.org/guidelines/definition-and-classification/classification-and-definition-of-epilepsy-syndromes
https://www.ilae.org/guidelines/definition-and-classification/the-2014-definition-of-epilepsy-a-perspective-for-patients-and-caregivers#:~:text=At%20least%20two%20unprovoked%20(or,over%20the%20next%2010%20years.
http://bachmai.gov.vn/tin-tuc-va-su-kien/thong-tin-thuoc-menuleft-124/630-thuoc-chua-dong-kinh-630.html
https://www.epilepsy.com/stories/summary-antiepileptic-drugs#phenytoin